Chẳng biết từ bao giờ trong giới quan chức tồn tại một lối suy nghĩ, hành xử với công việc được gọi bằng cái tên rất mỹ miều là “tư duy nhiệm kỳ”. Kiểu "tư duy" này tạo sức ì rất lớn, kiềm hãm sự phát triển đất nước, là một trong những nguyên nhân nảy sinh lợi ích nhóm, vị kỷ, vụ lợi, chủ nghĩa cá nhân. Vậy biểu hiện và nguyên nhân của "tư duy nhiệm kỳ" là gì ? Giải pháp nào để xóa bỏ "tư duy nhiệm kỳ" để đất nước có được một đội ngũ công chức lãnh đạo trong sạch, tận tâm, tận tụy, thực sự là công bộc của nhân dân ?
Oan thay cho cái từ “tư duy” vốn nằm trong trường nghĩa của trí tuệ, nay bị gán ghép để gọi tên cho lối nghĩ phản khoa học, thiếu nhân văn của một bộ phận quan chức lãnh đạo: tư duy nhiệm kỳ !
Như tên gọi của nó, “tư duy nhiệm kỳ” gắn với chức vụ của quan chức lãnh đạo theo từng nhiệm kỳ. Nói cách khác, đó là một kiểu tư duy ngắn hạn, mang tính thời vụ trong nhiệm kỳ cá nhân. Trong khi để địa phương, ban ngành, đoàn thể phát triển cần có kế hoạch dài hạn, kế sách lâu dài, thì quan chức có “tư duy nhiệm kỳ” chỉ lo nghĩ đến cái trước mắt, vun vén lợi ích cá nhân, vì danh và lợi của mình.
Không ít quan chức thuở “bình minh nhiệm kỳ” thì hứa hẹn, hô hào, đề ra kế hoạch “hoành tráng”, ra vẻ “quyết tâm” làm nhân dân rất vui mừng, kỳ vọng. Thế nhưng đến nửa cuối nhiệm kỳ, khí thế ấy nhạt dần và đến cuối nhiệm kỳ thì dường như tắt lịm.
Vì sao như vậy ? Vì tư duy nhiệm kỳ là một dạng biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng an phận hoặc tham vọng leo thang quyền lực thể hiện rất rõ trong “tư duy nhiệm kỳ”. Nhiều quan chức trong suốt nhiệm kỳ không dám “đột phá” điều gì vì ngại đổi mới, sợ thất bại, giảm “uy tín” cá nhân. Họ chỉ muốn “êm chèo mát mái” cho hết nhiệm kỳ để được điều chuyển, bổ nhiệm chức vụ mới cao hơn hoặc về hưu sao cho “hạ cánh” nhẹ nhàng nhất. Vì vậy khi còn đương chức họ rất “kín kẽ”, ngại va chạm, sợ đấu tranh, lấy câu “im lặng là vàng” là nguyên tắc hành xử khi thi hành công vụ. Gần đây có hiện tượng, một số cán bộ khi sắp về hưu mới dám “nói thẳng, nói thật”, bộc bạch “tâm tư” bất bình trong diễn đàn hội nghị hoặc phát ngôn trên báo chí. Điều đó giống như ánh nắng hoàng hôn lóe lên một chút rồi tắt. Tại sao khi còn đương chức, các vị ấy không nói sớm hơn cho dân được nhờ ? Rõ ràng là do cái tư duy nhiệm kỳ ấy ràng buộc.
Đầu nhiệm kỳ, do mới tiếp nhận bàn giao của người tiền nhiệm nên họ chưa thể thực sự bắt tay vào công việc. Khi họ thâm nhập được công việc có thể đã qua một phần ba hoặc gần hết nửa nhiệm kỳ. Thời gian đầu của nửa sau nhiệm kỳ, họ mới triển khai được vài kế hoạch. Kế hoạch ấy triển khai chưa tới đâu thì đến năm cuối cùng của nhiệm kỳ, không còn kịp hoàn thành. Đó là chưa nói đến một số “vị” đến “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì mọi sự đều “án binh bất động”, trì trệ, cầm chừng.
“Tư duy nhiệm kỳ” tạo sức ì rất lớn, kiềm hãm sự phát triển đất nước. Người mang tư duy kiểu ấy không bao giờ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và hết lòng phục vụ đất nước, nhân dân. Họ nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, làm không đến nơi đến chốn, hoặc nói mà không làm, thậm chí không nói cũng không làm. Cấp trên mà “tư duy nhiệm kỳ” thì cấp dưới dù tích cực, năng động, sáng tạo đến đâu cũng không được khuyến khích, phát huy, cũng trở thành những công chức làm việc cầm chừng.
Lẽ ra hoạch “dài hơi” của người tiền nhiệm để lại được người kế nhiệm tiếp tục thực hiện, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, hoặc nếu dừng, không tiếp tục nữa thì ít ra cũng nói rõ vì sao. Đằng này với tư duy nhiệm kỳ, người kế nhiệm cứ “đơn thương độc mã” đặt ra kế hoạch mới để rồi cũng dang dở khi về hưu hoặc khi chuyển công tác sang đơn vị mới như người tiền nhiệm trước đây.
“Chúng ta phải sử dụng có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”, đó là lời nhắc nhở hết sức trách nhiệm của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với quan chức cả nước cách đây không lâu. Sự hời hợt, cầm chừng trong công việc, “sáng vác ô đi, tối vác về” nhưng hưởng đủ lương bổng, chế độ từ đồng tiền thuế của dân sẽ làm đất nước nghèo nàn, trì trệ, nợ công phình ra một phần vì bộ máy quan liêu đó.
“Tư duy nhiệm kỳ” đã đẻ ra kiểu tư duy thấy lợi thì làm, thấy khó thì tránh, chỉ thấy quyền lợi, không thấy trách nhiệm. Trên diễn đàn quốc hội từng có một quan đầu ngành trả lời chất vấn rằng “câu trả lời xin dành cho người kế nhiệm”, vì vị này sắp tới về hưu. Những vụ đại kỳ án, vụ án thế kỷ, xuyên thế kỷ gây oan sai cho người vô tội, để rồi đến khi khắc phục hậu quả thì nhà nước tốn hàng tỷ đồng bồi thường, còn những người gây ra hậu quả thì chả thấy đâu, vì nhiệm kỳ đã qua từ lâu, hết nhiệm kỳ, hết trách nhiệm !/ Để loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ” không hề đơn giản, chừng nào tư tưởng cục bộ, hữu khuynh hay lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân còn chi phối thì tư duy nhiệm kỳ vẫn còn. Trước hết, cần nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, xuê xoa, ca tụng, lợi dụng lẫn nhau.
Trong chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cần phải có tầm nhìn xa trông rộng, không để “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, hay “lợi ích nhóm” chi phối. Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát “đầu - cuối” cán bộ lãnh đạo, xem họ khởi đầu nhiệm kỳ đăng ký thực hiện kế hoạch, mục tiêu gì, kết thúc nhiệm kỳ đã hoàn thành chưa, thực hiện đến đâu, qua đó kết luận về trách nhiệm của họ, rút ra bài học cho người kế nhiệm.
Cần loại bỏ những kẻ thoái hóa biến chất, cơ hội chính trị, hám danh, hám chức, tham quyền, trục lợi ra khỏi bộ máy lãnh đạo nhà nước. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của đảng, nhà nước và nhân dân đối với quan chức lãnh đạo, truy trách nhiệm, xử lý ngay cả khi quan chức về hưu. Loại bỏ cho được cái công thức bất thành văn “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, trí tuệ” lâu nay ở một số địa phương, ban ngành trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, khiến cho cử tri phải đặt ra câu hỏi nhức nhối “tìm người tài hay người nhà” ?
“Tư duy nhiệm kỳ” là một trong những nguyên nhân nảy sinh lợi ích nhóm, vị kỷ, vụ lợi, chủ nghĩa cá nhân, là rào cản kiềm hãm sự phát triển xã hội. Bao giờ xóa bỏ được tư duy nhiệm kỳ thì nhà nước mới có một đội ngũ công chức lãnh đạo trong sạch, tận tâm, tận tụy, thực sự là công bộc của nhân dân.
Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.
Tin bài liên quan