Trong bối cảnh đất nước bị xâm lược thì mục tiêu hàng đầu mà Hồ Chí Minh quan tâm đó là đánh đuổi chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Độc lập cho dân tộc là điều kiện để nhân dân được tự do, đồng bào được hạnh phúc. Nếu không có độc lập dân tộc thì không thể nói tới phát triển đất nước. Khi đất nước bị mất chủ quyền thì tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xã hội đều phải chịu chung số phận của người nô lệ, đều phải chịu chung nỗi nhục mất nước. Người nhận thức sâu sắc rằng, độc lập dân tộc là cái trước hết, trên hết nhưng sau khi giành được độc lập rồi, thì đất nước sẽ phát triển theo con đường nào? Từ thực tiễn phong trào cứu nước của ông cha và lịch sử nhân loại, Hồ Chí Minh khẳng định phương hướng phát triển của dân tộc trong bối cảnh thời đại mới đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại và phù hợp với nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta.
Mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân luôn tiềm tàng một mâu thuẫn, quan hệ giữa chúng là quan hệ giữa cái chung và cái riêng nên mâu thuẫn này là mâu thuẫn giữa cái chung và cái riêng, chứ không phải là mâu thuẫn đối kháng. Do đó, xã hội và cá nhân cần có sự điều chỉnh mối quan hệ giữa hai lợi ích trên. Với tư duy chính trị sắc bén, Hồ Chí Minh đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân. Nó góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh của cá nhân và cộng đồng trong sự nghiệp cách mạng chung.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Hồ Chí Minh là phải đặt lợi ích của cách mạng, lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.
Điều này, được Người giải thích rất rõ trong “Bài nói tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan trung ương” như sau: “Mọi người nhận rõ lợi ích chung của dân tộc phát triển và củng cố thì lợi ích riêng của cá nhân mới có thể phát triển và củng cố. Cho nên lợi ích cá nhân ắt phải phục tùng lợi ích của dân tộc, chứ quyết không thể đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích dân tộc. Đó là một tiến bộ”.
Vì “tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ chung của dân tộc”. Sau này, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Người khẳng định: “Trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn.
Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”. Trong bối cảnh đất nước mất chủ quyền, thực hiện giải phóng dân tộc trước hết đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp. Vì thế, lợi ích của giai cấp, của cá nhân phải phục tùng lợi ích của dân tộc. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, giai cấp công nhân Việt Nam được tự do, nông dân có ruộng đất để cày cấy, trí thức được tự do sáng tạo… các giai cấp, tầng lớp trong xã hội từ thân phận của người nô lệ trở thành người chủ nước nhà.
Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như truyền thống của dân tộc, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Nhưng quần chúng phải được giác ngộ, phải được tổ chức, được lãnh đạo theo một đường lối đúng đắn thì mới trở thành một lực lượng to lớn. Để làm được những việc có tầm rộng lớn ấy, Người thấy rõ phải đưa chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, từ đó thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vấn đề phải đặt lợi ích cách mạng, lợi ích của Đảng lên trên hết. Bởi vì, Đảng chính là người lãnh đạo, dẫn dắt toàn dân thực hiện lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, của nhân dân, “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích khác… Vì vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài…”. Theo Người, đó là mục đích, lý tưởng cao cả của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người “đầy tớ” trung thành của nhân dân. Do đó, người dân Việt Nam luôn coi Đảng ta là của chính mình.
Theo Hồ Chí Minh, “đặt lợi ích của Đảng, tức là đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước hết”, biết đem lợi ích của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng là một trong những tiêu chuẩn của người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Một mặt, Hồ Chí Minh nêu lên những biểu hiện về sự thống nhất giữa lợi ích chính đáng của cá nhân với lợi ích của Đảng, mặt khác, Người cũng phê phán những biểu hiện cần tránh, đó là: “Nhiều khi lợi ích của cá nhân hợp với lợi ích của Đảng. Thí dụ đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khoẻ của mình để làm việc. Ham học tập để nâng cao trình độ của mình. Làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để cho dân tin, dân phục, dân yêu. Những lợi ích cá nhân đó rất chính đáng. Đảng mong cho đảng viên và cán bộ như thế. Song ngoài ra, như ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại, v.v.. Đó đều là trái với lợi ích của Đảng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, chống chủ nghĩa cá nhân nhưng “không giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng để nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng lại không đơn giản chút nào. Bởi lẽ, nếu quá nhấn mạnh lợi ích cá nhân, con người sẽ dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân và ngược lại, chống chủ nghĩa cá nhân không thận trọng sẽ “giày xéo” lên lợi ích chính đáng của cá nhân. Cả hai khuynh hướng trên đều dẫn tới những kết quả là cản trở sự nghiệp giải phóng cá nhân, khó thực hiện mục tiêu đem lại tự do, hạnh phúc cho mỗi người trong chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Ở đây, biểu hiện quan hệ giữa cá nhân và xã hội, lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội thống nhất với nhau. Ở đó, con người không chỉ nghĩ và hành động vì mình mà vì người khác, có tinh thần trách nhiệm và thái độ tôn trọng, chăm sóc lẫn nhau. Do đó, chúng ta phải chăm lo đến lợi ích vật chất, tác động vào các động lực chính trị - tinh thần như: Phát huy quyền làm chủ và ý thức làm chủ của người lao động, thực hiện công bằng xã hội, bồi dưỡng các nhân tố đạo đức, văn hóa, pháp luật… để phát huy sức mạnh cá nhân.
Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân, theo Hồ Chí Minh, trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là “chủ nghĩa cá nhân”, phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn. Vì vậy, phải chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, với việc chống chủ nghĩa cá nhân, Người đặc biệt coi trọng nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ”, “phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ…”
Có thể nói, tư tưởng và tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Đây là một trong những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cho đến nay, những quan điểm của Người về giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân vẫn còn giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đây cũng là nội dung, phương hướng rèn luyện đạo đức của mỗi người theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nó là kim chỉ nam của Đảng ta trong việc xây dựng đạo đức mới trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Những quan điểm trên của Người vẫn tiếp tục chỉ đạo hoạt động thực tiễn trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Đặc biệt là trong bối cảnh, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức, phai nhạt lý tưởng cách mạng, quá coi trọng đến lợi ích cá nhân đã và đang làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ thì việc nắm vững những quan điểm của Người về giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân có giá trị thời sự sâu sắc.
Hiện nay, vận dụng quan điểm của Người để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng với lợi ích cá nhân, đòi hỏi mọi suy nghĩ và hành động của cá nhân phải trên cơ sở lợi ích chung của tập thể, của Đảng, của đất nước, trong đó, có quyền lợi của chính bản thân mình, đó là phấn đấu vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong từng nhiệm vụ cụ thể, phải đặt lợi ích chung của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân mình. Đồng thời, xã hội phải có những cơ chế đảm bảo lợi ích chính đáng của cá nhân.
Trong cơ chế cũ, có lúc chúng ta đã tuyệt đối hóa tập thể, triệt tiêu cá nhân. Lợi ích xã hội nhiều khi được quan niệm rất trừu tượng, mơ hồ, biến lợi ích chung thành lợi ích của thứ “cộng đồng hư ảo” như Mác đã nói… Ngày nay, trong quá trình chuyển đổi cơ chế lại có một sự điều chỉnh, đánh giá lại mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể và xã hội. Việc phát huy nhân tố con người trên cơ sở đảm bảo công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ; kết hợp tăng trưởng kinh tế với công bằng và tiến bộ xã hội; đáp ứng nhu cầu trước mắt với lợi ích lâu dài giữa cá nhân và cộng đồng là điều kiện đảm bảo tốt nhất vấn đề lợi ích, là cơ sở để đảm bảo sự gắn bó giữa Đảng với dân ở nước ta hiện nay.
Như vậy, với nhãn quan chính trị sắc bén, Hồ Chí Minh đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân. Sự thống nhất, hài hòa các lợi ích này là động lực cho cá nhân hoạt động, là cơ sở cho sự gắn bó giữa cá nhân với tập thể và xã hội; đồng thời, phát huy được sức mạnh của cộng đồng cũng như sức mạnh cá nhân trong sự nghiệp cách mạng chung, góp phần đưa cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn./.
Ban biên tập