Xây dựng chủ nghĩa xã hội nhìn từ phương diện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

28/12/2017 8:56

Tuyenquang.gov.vn: Hồ Chí Minh - nhà mác xít sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam đã xác định con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản và sự lựa chọn của chúng ta là chủ nghĩa xã hội. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh không chỉ nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học do các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác vạch ra, mà còn phát triển, làm phong phú thêm lý luận và phương pháp của chủ nghĩa xã hội khoa học từ thực tiễn cách mạng Việt Nam



Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên
là để chuẩn bị lực lượng quan trọng cho sự thành công chủ nghĩa xã hội. Ảnh Tư liệu

Nhìn từ phương diện đạo đức, Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức học về chủ nghĩa xã hội là đạo đức cách mạng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải xây dựng và thực hành đạo đức cách mạng, phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân. Theo quan niệm của Người: chủ nghĩa cá nhân là một thứ giặc nguy hiểm, là tàn dư của chế độ bóc lột, thực dân, phong kiến, là trái với đạo đức cách mạng. Người khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. Người cũng có sự phân biệt rõ ràng chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là vùi dập lợi ích cá nhân. Những gì thuộc về lợi ích, nhu cầu chính đáng của cá nhân mà không trái với xã hội, không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội thì phải được tôn trọng.

Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải xây dựng đội ngũ những người cách mạng lấy đạo đức làm gốc. Theo Hồ Chí Minh: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang...Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả vì lợi ích riêng của cá nhân mình...Vì lẽ đó, Người luôn chăm lo rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người viết: " Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên là để chuẩn bị lực lượng quan trọng cho sự thành công chủ nghĩa xã hội.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, Học thuyết Mác - Lênin cũng như chính trị, thể chế, con người...được nhìn nhận dưới lăng kính các giá trị đạo đức. Người quan niệm chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là lý luận khoa học mà còn là đạo đức, là ứng xử văn hóa. Theo Người, nếu chỉ học thuộc chủ nghĩa Mác - Lênin trên câu chữ, đọc hàng trăm, hàng nghìn quyển sách về lý luận Mác -Lênin nhưng ăn ở, đối xử với nhau không có tình, có nghĩa thì không gọi là học Mác- Lênin được.

 Dân là điểm xuất phát trong tư duy chính trị Hồ Chí Minh. Lợi ích của dân và cho dân là chân lý nhìn từ góc độ đạo đức. Với tư tưởng nhân văn sâu sắc, Người luôn nhắc đến dân trong các bài nói, bài viết, tác phẩm của mình, và xây dựng chủ nghĩa xã hội là để dân được sung sướng, tự do, hạnh phúc. Vì vậy, tính nhân dân và dân chủ là một trong những đặc trưng nổi bật trong lý luận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người nhiều lần phê phán thói quan liêu, xa dân, khinh dân, ghét dân, không tin dân... những biểu hiện suy thoái về đạo đức cách mạng. Theo Người, chỉ có dựa vào dân, coi dân là chủ, dân làm chủ thì mới chống được thói quan liêu, mới xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được. Hồ Chí Minh cũng nói đến vai trò của đạo đức và văn hóa đạo đức trong chính trị. Đó chính là điểm quan trọng đảm bảo cho chủ thể quyền lực chính trị và các quan hệ con người trong thể chế chính trị đó không bị suy thoái.

Ngày nay, trong xu thế giao lưu, hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển đất nước, cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc rằng tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội gắn liền với những giá trị đạo đức của con người. Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội nhìn từ phương diện đạo đức vẫn là cơ sở lý luận quan trọng để mỗi người  rèn luyện đạo đức, tác phong, phương pháp làm việc của mình, tránh sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, góp phần vào việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.
                                                                                                                           
                                                                                                                                                                    Nguyễn Thị Tuyết Nhung         
                                                                                                                                                           Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

In bài viết Gửi phản hồi Gửi Email