REFRESH(5400 sec): file://localhost/cygdrive/G/Projet/PAGES-ASPIREES/Vietnamien/sens2/2.html 8722 81 /2009-10-21-don-roi-va-quyen-luc Đòn roi và quyền lực Bài đã được xuất bản.: 25/10/2009 07:00 GMT+7 * In * Email * Thảo luận TRONG MỤC NÀY * Điện hạt nhân sẽ đắt gấp ba? * Quy hoạch đô thị - trăm năm nhìn lại * Chọn mô hình phát triển tập đoàn theo hình tháp? (Đọc thêm...) Muốn xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đất nước phồn vinh, hãy bắt đầu đơn giản với môi trường giáo dục phi bạo lực ở mọi nơi, mọi lúc. Quyền lực sinh ra từ đe dọa, đòn roi sẽ là thứ quyền lực bị tha hóa. Đánh trẻ vì chúng... yếu hơn! VietNamNet đưa tin, cháu Nguyễn Thuỳ Linh (SN 1998) học sinh lớp 5 Trường tiểu học Bến Thuỷ (t/p Vinh), bị người mợ tên là Nguyễn Thị Hồng Ngân trú tại khối 10, phường Bến Thuỷ (TP Vinh, Nghệ An), đánh đập dã man. Cháu Linh có bố mẹ li dị nên đã ở nhà mợ. Mẹ đi Ba lan kiếm sống. Sau một thời gian xin tiền mợ để mua một số dụng cụ học tập nhưng chưa được, cháu có lấy trộm của mợ 48.000 đồng. Số tiền đó Linh đã mua hết 6.000 đồng, còn lại Linh cất giữ trong cuốn vở. Phát hiện ra số tiền, khoảng 23 giờ ngày 16/10/2009, "mợ" Ngân đã lôi cổ cháu Linh lên tầng 2 khoá trái cửa, dùng cán chổi bằng sắt để đánh đập. Thật kỳ lạ, mới đây có thăm dò dư luận trên VietNamNet: Có nên đưa đòn roi vào giáo dục học sinh? Gần 80% ý kiến đồng ý với phương án "có thể" (!). "Phiên tòa” xét xử “lương tâm” ngày 18/10 tại hội trường nhà văn hoá khối 10, phường Bến Thủy (T.P Vinh, Nghệ An) đối với 2 vợ chồng người mợ đánh cháu bé dã man Nếu tin cháu Linh bị đánh được đưa trước thăm dò thì có thể kết quả đã khác. Việc dùng đòn roi để đánh đập trẻ nhỏ, dù ở trường, tại gia đình hay ngoài xã hội cần phải lên án. Những kẻ tàn nhẫn đó cần bị pháp luật trừng trị. Hỡi 80% số người trả lời "có thể", hãy vào xem ảnh mông cháu Linh, và hy vọng các vị sẽ thay đổi ý kiến. Vì một hôm nào đó, con cháu của các vị, hay chính các vị, có thể bị bạo lực đe dọa. Theo những người đồng ý dùng roi, dân tộc mình có truyền thống dạy trẻ rất...đặc biệt. Nhưng lạ, họ không dám dạy người lớn như thế, vì sợ bị choảng lại. Hóa ra, người ta đánh trẻ vì chúng yếu hơn, muốn nó nghe lời, bất luận phải và hay trái. Bố mẹ đánh con, ông bà phát mông cháu, mợ đạp cháu, anh choảng em. Dọa nạt và tiếp theo là bạo lực để giải quyết mọi chuyện tranh chấp cho nhanh. Khuyên bảo làm gì cho mất thời gian và công sức. Trong bạo lực kẻ nào mạnh sẽ thắng. Đứa trẻ yếu thế, mồm miệng không đỡ được chân tay nên phải chịu đòn. Đứa bé không chịu ăn rau xanh, bà mẹ trừng mắt: "Có nuốt không thì bảo" và đứng dậy tìm cái roi. Thằng cu nước mắt ngắn dài, nuốt ngọn rau, nghẹn ở cổ mà không hiểu tại sao con người ta sinh ra lại phải ăn cái thứ mình không thích. Nó sẽ nhớ ngọn rau muống, đôi mắt vằn đỏ của người mẹ và cái roi vun vút trong suốt cuộc đời còn lại. Thầy cô ở trường cũng chả hơn gì. Học lớp hai, lớp 3, trẻ con rất hiếu động mà bắt chúng khoanh tay để lên bàn suốt 45 phút để nghe "giáo sư" lải nhải. Đứa nào nói chuyện có thể bị quật thước, đuổi ra ngoài, phạt tường hay bị xỉ nhục. Về nhà chơi, nghịch ngợm bị ông bà dọa ma, dọa ba bị và gần đây là gọi công an đến bắt. Kể ra thì vô vàn. Nhiều người cảm thấy hạnh phúc khoe "đánh thằng con lằn mông, cả tuần chưa hết sợ". Bà mợ "phù thủy" Nguyễn Thị Hồng Ngân, nếu không bị pháp luật sờ gáy, chắc chắn sẽ tự hào vì cách dậy đứa cháu. Thứ quyền lực bị tha hóa Đối xử vô nhân đạo với trẻ nhỏ bằng đòn roi nhưng ra ngoài đời chính những người ấy lại "nhân đạo" với người lớn bằng cách tha thứ, chín bỏ làm mười. Người lớn mắc lỗi gì đó được khuyên bảo, đưa ra tổ phường góp ý, phê bình, hội phụ nữ, đoàn thanh niên đến nhà phân giải. Khi bị đưa ra tòa, không xử theo pháp luật mà dựa vào nhân thân, có cống hiến, có lý lịch tốt, và kể cả...thân nhân. Cấp càng cao càng được ưu ái mà lẽ ra phải làm ngược lại. Cầm cân nẩy mực, hiểu rõ pháp luật mà vẫn cố tình phạm tội, lẽ ra phải phạt nặng gấp đôi. Ở phương tây làm khác chúng ta. Trẻ em là búp trên cành, cần được nâng niu. Chỉ có thể khuyên bảo chúng. Dùng đòn roi, dọa nạt là phạm luật. Người lớn phạm tội thì tòa giở sách, tìm khung hình phạt và tuyên án. Không có chuyện vì làm tổng thống hay thủ tướng, có cống hiến tốt mà được khoan hồng. Đứa trẻ được giáo dục và sống trong môi trường yêu thương của đồng loại, lớn lên cũng sẽ biết yêu thương. Nó lớn lên sẽ dậy con như đã từng được dậy tuổi ở ấu thơ. Bị bố mẹ đánh thì cũng bắt chước đánh con. Bị đòn roi từ bé, đứa trẻ với "ngọn rau muống đầu đời nuốt không trôi", lớn lên làm lãnh đạo, sẽ ít thay đổi về tư duy bạo lực vì những dư chấn tâm lý thời thơ ấu. Ai dưới quyền không nghe thì tìm cách dọa nạt, khống chế, xử lý và làm cho suốt đời không ngóc đầu lên được. Vì thế mới có chuyện thích dọa dẫm nhau bằng cách gọi công an. Mấy chị thi Hoa hậu Quí bà không được giải, lên án ban tổ chức không công bằng. Ông Phó Chủ tịch tỉnh gửi công văn sang Tổng cục An ninh đề nghị xử lý. Hồi bé chắc ông ta hay bị bố mẹ dọa công an đến bắt nên bây giờ ổng quen. Rồi đến mấy bà thí sinh, thấy bị lăng mạ trên diễn đàn Web Trẻ thơ, thay vì đưa ra tòa dân sự để kiện, cũng lôi "cái roi" là an ninh hay công an, nhờ xử lý. Một khi dùng đòn roi để dọa dẫm, chứng minh quyền lực, chính bản thân sẽ bị bạo lực ngoài đời đổ lên đầu, bị kẻ khác lạm quyền chèn ép, nếu không nghe theo họ. Chỉ khi nào quyền trẻ em được đảm bảo như Việt Nam đã ký kết với quốc tế, với người lớn thì "pháp luật thượng tôn", mới mong quan không nạt nộ dân, dân không dám đánh đập con cháu, và dân tộc này mới hết đòi "xử lý" lẫn nhau. Muốn xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đất nước phồn vinh, hãy bắt đầu đơn giản với môi trường giáo dục phi bạo lực ở mọi nơi, mọi lúc. Quyền lực sinh ra từ đe dọa, đòn roi sẽ là thứ quyền lực bị tha hóa. Hiệu Minh * In * Email * Thảo luận Các bài viết khác * Cách thuyết phục dân tốt nhất là cho thấy chuyển biến thực (11/11/2009 22:52 GMT+7) * Phòng dịch bệnh bằng truyền thông xã hội (12/11/2009 06:00 GMT+7) * Sáu sai lầm trong quản lý nguồn vốn (Phần 3) (12/11/2009 06:20 GMT+7) * Cuộc đối thoại âm nhạc buồn (12/11/2009 06:00 GMT+7) * Tiếp cận sức mạnh mềm của Hàn Quốc (12/11/2009 06:15 GMT+7) * Tái cấu trúc nhìn từ cách Vinashin xài vốn nhà nước (12/11/2009 06:15 GMT+7) * Đàn khủng long của nền kinh tế vị thành niên (12/11/2009 06:30 GMT+7) * Lãnh đạo phải thể hiện được suy nghĩ của nhân dân mình (11/11/2009 10:00 GMT+7) * Kiến trúc Hà Nội: Không Việt Nam hoá sẽ thất bại (11/11/2009 08:30 GMT+7) * Loay hoay phim thị trường và phim nghệ thuật (11/11/2009 06:20 GMT+7)