TTCK Việt Nam: Khó có khả năng giảm mạnh trong Quý 4/2009 Nguồn : 20-10-2009 Intellasia | 19/10/2009 VietStock 20/10/2009 - 7:00:04 am -- Kinh tế châu Âu trong Quý 2 tăng 0.1%, cao hơn mức dự báo -0.1% trước đó. Các NHTW châu Âu vẫn cam kết giữ lãi suất ở mức thấp. Trong khi đó, ADB dự báo lạc quan hơn về kinh tế châu Á. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng dương trong Quý 2. Trung Quốc đang dần phục hồi mạnh mẽ nhờ các gói kích cầu dù đứng trước nguy cơ bong bóng tài sản. Giá dầu thô khó có khả năng tăng mạnh bất chấp kinh tế đang phục hồi. Giá dầu thô được dự báo ở mức 65 – 75 USD/thùng từ nay đến cuối năm. Giá vàng đang ở quanh ngưỡng 1,000 USD/oz. Dự báo giá vàng dao động quanh mức này nhưng từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều biến động do sức mạnh đồng USD sụt giảm và còn nhiều rủi ro trong nền kinh tế. Chứng khoán thế giới đều đã tăng khá mạnh mẽ trong những tháng vừa qua. Mức tăng hiện nay được xem là nóng. P/E của các thị trường hiện đang ở mức khá cao nên rất có thể sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên, lực đỡ từ các thông tin kinh tế sẽ giúp các thị trường chứng khoán đứng vững và tăng trưởng nhẹ. KINH TẾ VIỆT NAM: Nền kinh tế đang phục hồi khá mạnh. Chính phủ nhiều khả năng tiếp tục gói kích cầu thứ 2. Kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro khi hiệu quả của gói kích cầu không như mong đợi. Mức thâm hụt ngân sách ở mức cao, giảm dự trữ ngoại hối, và rủi ro trong hệ thống ngân hàng là những điều đáng được lưu tâm trong thời gian tới. Các chỉ số vĩ mô Quý 3 và 9 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế đang phục hồi khá mạnh. GDP đã tăng được 5.18% trong Q3/2009 và 9 tháng đầu năm tăng 4.56%. GDP năm 2009 hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%. Trong năm 2010, nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6.5%. Lạm phát khó có nguy cơ bùng phát cao vào cuối năm và CPI dự báo không vượt quá 7%. Tuy nhiên, khả năng lạm phát sẽ tăng cao vào Q1/2010 là khá lớn, và có thể Ngân hàng Nhà nước phải nâng lãi suất và thắt chặt tín dụng ở mức độ vừa phải. Thâm hụt thương mại ở mức khá cao trong 9 tháng đầu năm, khoảng 6.55 tỷ USD và dự kiến trên 10 tỷ USD cả năm. FDI giải ngân 9 tháng giảm 11.2%. FPI khó đột biến, nhưng ảnh hưởng của việc rút vốn là thấp. Cán cân thanh toán được bù đắp nhờ vốn vay ưu đãi ODA tăng nhẹ và kiều hối giảm so với năm 2008, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn ở mức khá. Chính phủ nhiều khả năng sẽ tiếp tục gói kích cầu thứ 2 và duy trì chính sách tiền tệ ở mức nới lỏng như hiện nay. NHNN đang dần giảm giá đồng VND để tỷ giá liên ngân hàng sát dần với mức thị trường. Kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro khi hiệu quả của gói kích cầu không như mong đợi. Thâm hụt ngân sách ở mức cao, giảm dự trữ ngoại hối, và rủi ro trong hệ thống ngân hàng là những điều đáng được lưu tâm trong thời gian tới. TTCK VIỆT NAM: Định giá thấp so với trung bình thế giới. Khó có khả năng giảm mạnh trong Q4/2009. TTCK Việt Nam tăng khá mạnh trong Q3/2009. Chỉ số VN-Index hiện nay đã tăng 2.5 lần so với thời điểm thấp nhất hồi tháng 3. Trong đợt tăng gần đây, thị trường có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ảnh hưởng do sự tăng mạnh của chứng khoán thế giới, tín hiệu tích cực trong nước, kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm khả quan, việc thị trường tăng mạnh còn do nhà đầu tư hưng phấn trước xu hướng chia thưởng cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp.